VĂN HÓA / KHOA HỌC

VĂN HÓA / KHOA HỌC 
Trong chiều hướng bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc Việt, trang VĂN HÓA/KHOA HỌC sẽ post những bài nhấn mạnh về bản sắc văn hóa Việt Nam, bao gồm các khía cạnh từ phong tục tập quán, lễ hội cho đến văn học nghệ thuật và tín ngưỡng. Ngoài ra, để mở rộng tầm kiến thức về văn hóa xứ người, trang VH/KH cũng đăng các bài giới thiệu nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Về phần khoa học, bên cạnh các bài viết có tính cách khoa học thuần túy gồm các phương diện triết lý, xã hội, đạo đức, những bài biên khảo mang đặc tính khoa học thực nghiệm (nhất là về khoa học kỷ thuật và y học) cũng sẽ được đưa vào trang VH/KH. Nơi đây, với khả năng khiêm tốn cũng như thời gian bị giới hạn trong một đề mục quá rộng lớn và bao quát, CHSNTHHA, USA sẽ chỉ đưa vào những bài viết mang nét đại cương. CHSNTHHA, USA mong mỏi sự đóng góp của quí thầy cô, các bạn và quí thân hữu xa gần. Hội cũng khuyến khích sự tham gia của các thế hệ tiếp theo sau thế hệ cựu nữ sinh. 
(We welcome and encourage multi-generational and cross-cultural collaborations . Please email your writings to: nutrunghochoian@gmail.com) 

 QUÂN TỬ 
 Là hình mẫu con người lý tưởng theo nhân sinh quan của Nho giáo phù hợp với phương thức cai trị xã hội đức trị (nhân trị) của học thuyết này. Nguyên nghĩa của quân tử là "kẻ cai trị", do những nghĩa phái sinh sau này mà quân tử mới có nghĩa đối lập với "kẻ tiểu nhân" và người quân tử thường được coi là người hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ,Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Người quân tử cũng là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh trời. Thời nhà Chu, quân tử là cụm từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc. Đến thời kỳ Xuân Thu thì nó được dùng để chỉ các đại phu. Vì thế những người làm quan được gọi là quân tử, còn những người dân thường hay quan lại với phẩm hàm nhỏ hơn tự xưng là tiểu nhân. Tuy nhiên, một số người cho rằng Khổng Tử là người đã sáng tạo ra từ này. 
Đối với Khổng Tử, các chức năng của nhà nước (và sự phân cấp xã hội) là các cơ sở của xã hội và được đảm bảo bằng các giá trị đạo đức. Vì thế con người lý tưởng đối với ông là quân tử. Quân tử còn có nghĩa là người tốt hơn, nghĩa là người hơn hẳn về mặt đạo đức, luân lí. Quân tử sau này đã trở thành một trong các khái niệm quan trọng của hệ tư tưởng Nho giáo. 
Năm đức tính của người quân tử: 
Nhân: người với người đối xử với nhau trên cơ sở tình thương yêu. Tình thương yêu được cụ thể hóa bằng những nguyên tắc sau: Cái gì bản thân mình không muốn hoặc người không muốn thì không làm cho người. Cái gì người muốn thì tích tụ lại cho người. Mình muốn đứng vững thì làm cho người khác đứng vững; mình muốn thành đạt thì giúp đỡ cho người khác thành đạt. 
Lễ: theo quan điểm của Nho giáo, Lễ bao gồm việc thờ cúng, lễ bái thánh thần, trời Phật và cả những quy định có tính chất pháp luật, những phong tục, tập quán và kỷ luật tinh thần của cá nhân. 
Nghĩa: chỉ làm và nên làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải. 
Trí: tri thức để suy xét, hành động. Một trong những điểm quan trọng của Trí là phải nắm được mệnh trời. 
Tín: việc làm nhất quán với lời nói, giữ lời "nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy". Người quy tụ các đức tính trên mà trong đó trung tâm là Nhân được coi là người có đức Nhân: tình cảm chân thật, ngay thẳng; hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh; rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn. Người có đức Nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.
 Chín tiêu chuẩn của người quân tử:
 Con mắt tinh anh để nhìn rõ vạn vật. 
Thính giác tinh tường để nghe rõ vạn vật. 
Sắc mặt luôn ôn hòa. 
Tướng mạo luôn được giữ cho khiêm cung (cẩn trọng, cung kính với người trên; thân ái, hòa đồng với người dưới) 
Lời nói luôn giữ bề trung thực. 
Hành động phải luôn cẩn trọng. 
Có điều nghi hoặc phải luôn hỏi han để làm cho rõ. 
Kiềm chế: khi nóng giận phải nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra, không giận quá mất khôn. 
Thấy lợi phải luôn nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa, có quyền lợi chính đáng phải biết nghĩ đến người khác (lộc bất tận hưởng). 
Tám bậc thang hành động của người quân tử. Theo quan niệm của Nho giáo, đã là người quân tử phải tỏ đức sáng ngày càng rộng, càng cao. Muốn làm được điều đó, người quân tử phải luôn phấn đấu theo 8 bậc thang dưới đây: 
Cách vật: luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái. 
Trí tri: luôn ngẫm nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được. 
Thành ý: luôn chân thật, không dối người và cũng không dối mình. 
Chính tâm: luôn suy nghĩ, hành động ngay thẳng, chính trực và làm chủ bản thân mình. 
Tu thân: luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân. 
Tề gia: làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong. 
Trị quốc: lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước. 
Bình thiên hạ: khiến cho thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận. 

 LỄ PHẬT ĐẢN 
Phật Đản là ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. 
Theo truyền thống Phật giáo Đông Á ngày này là ngày kỷ niệm Phật Đản sinh; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). 
Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch. Nhiều nơi trên thế giới ngày nay tổ chức kỉ niệm đức Phật đản sinh suốt 1 tuần lễ, kể từ ngày 08 tháng 04 cho đến hết ngày 15 tháng 04 Âm Lịch. 
Giáo lý mà đức Phật để lại cho nhân loại được gọi là phật pháp, tạm chia thành 3 nhánh: Tiểu Thừa, Đại Thừa và Tối Thượng Thừa. Mặc dù tạm chia nhánh, đây chỉ là những giai đoạn tu chứng của các hành giả tu theo Phật đạo. (Mồng 08 tháng 04/2012 Âm Lịch) 

 Ngày của Mẹ 
- Mother's Day Được khởi xướng bởi bà Anna Marie Jarvis tại thành phố Grafton, tiểu bang Tây Virginia, Hoa Kỳ, để tôn vinh những người mẹ hiền, đặc biệt là trong khung cảnh của mái ấm gia đình. Tổng Thống Woodrow Wilson ký chính thức thành lập Mother's Day vào năm 1914. Theo truyền thống của Hoa Kỳ và đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay, Mother's Day được tổ chức hằng năm vào ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5, trong đó có các nước: Ý, Úc, Singapore, Trung Quốc, Nhật, Canada, Đức, Ấn Độ ... 
Thông thường, vào ngày này con cái tặng hoa cẩm chướng (carnations) cũng như thiệp viết bằng tay cho mẹ để tỏ lòng biết ơn và tình yêu của mình đối với mẹ. Ở Việt Nam những người theo đạo Phật có Lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu nhớ ơn mẹ dựa theo sự tích Muc Kiền Liên Bồ Tát. Hiện nay chưa có Ngày Cho Mẹ một cách chính thức, nhưng nhờ vào phương tiện truyền thông hiện đại, một số lớn gia đình đã tổ chức Ngày Cho Mẹ vào ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5 mỗi năm theo truyền thống Hoa Kỳ. (13 May, 2012) 

 NGÀY CỦA CHA - FATHER'S DAY 
 Là một lễ được dùng để tôn vinh những người làm cha, tôn vinh cương vị làm cha, mối quan hệ với người cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Ngày này được ăn mừng vào Chủ nhật thứ ba của tháng 6 tại nhiều quốc gia. Ngày của Cha được khởi xướng bởi bà Sonora Dodd người Spokane, nhưng thoạt tiên đã không thành công. Năm 1966, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đưa ra lời loan báo tổng thống đầu tiên tôn vinh những người cha, và chỉ định dành ngày Chủ nhật thứ ba trong tháng 6 làm Ngày của Cha. Sáu năm sau, ngày này đã được chính thức trở thành ngày nghỉ lễ trên toàn quốc ở Mỹ sau khi Tổng thống Richard Nixon ký nó thành luật vào năm 1972. Những quốc gia ghi nhận Ngày Của Cha được tổ chức vào Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu, gồm: Canada, France, India, Japan, Singapore, USA, Viet Nam, United Kingdom... Ngày Của Cha năm 2012: June 17/2012. 

 Tết Đoan Ngọ 
Hằng năm, nhiều địa phương trên khắp nước ta, cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ. Theo sách “Phong thổ kí” thì Tết Đoan Ngọ bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa).
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền; ở thôn xóm thì cúng ở miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và cúng Thổ công. Lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Sau lễ cúng Tết Đoan Ngọ là các tục lệ như tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà... Phần lớn các tục lệ trên nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc. Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ ngọ họ đi tắm sông, tắm biển gọi là tắm mồng 5. Tết Đoan Ngọ: June 23/2012 

**************************************************************  

Vu-lan 
Là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, còn được hiểu là lễ báo hiếu. Ngày này còn được gọi là Xá tội vong nhân. Vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục đều được xá tội, được lên Dương gian. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. 
Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời. (Vu Lan: August 31/2012)

Comments